Bối cảnh Sự_biến_Thổ_Mộc_bảo

Người Mông Cổ bị Minh Thái Tổ đánh đuổi về thảo nguyên phía bắc (1368) nhưng vẫn là lực lượng hùng mạnh, luôn uy hiếp biên cương nhà Minh trong những năm sau đó. Trong đời Minh Thành Tổ đã từng ra quân, tuy đã làm yếu thêm quân Mông Cổ, nhưng đến thời Minh Anh Tông tương quan lực lượng đã thay đổi.

Chiến sự liên miên trong nước cùng sự tham nhũng của bộ máy cai trị khiến quân đội nhà Minh càng suy yếu. Đồn điền vốn của quân sĩ tự cày cấy nuôi nhau bị các võ quan cao cấp và các địa chủ lớn tại địa phương chiếm làm của riêng, thu nhập của đồn điền không đủ nuôi binh sĩ[6].

Quân sĩ bỏ trốn rất nhiều, tính đến năm 1448, bộ Binh báo cáo lên triều đình, tổng số quân sĩ bỏ trốn phải xóa tên lên tới 66 vạn người, điển hình tại một Bách hộ ở Sơn Đông, trong tổng số 120 quân lính bỏ trốn gần hết chỉ còn lại 1 người. Ngoài ra, vũ khí trang bị cho quân đội nhà Minh cũng vừa thiếu, vừa kém chất lượng, nhiều đồ dùng bị hư hỏng[6].

Tộc Ngõa Lạt là một chi của Mông Cổ, trước kia sinh sống du mục ở phía tây nam hồ Baikan. Khi Thành Cát Tư Hãn thống nhất các bộ tộc Mông Cổ, Ngõa Lạt quy phục Mông Cổ rồi di chuyển dần về phía thượng lưu sông Enisei, phát triển về phía nam, mở rộng thế lực tới sông Táp Bồn và vùng lòng chảo Chuẩn Cát Nhĩ. Đến đầu thời Minh, bộ tộc Ngõa Lạt lớn mạnh hơn so với các bộ tộc Mông Cổ khác.

Trong lúc nhà Minh có dấu hiệu suy yếu thì các bộ tộc Mông Cổ lại mạnh lên. Các bộ tộc Ngõa Lạt và Thát Đát được thống nhất. Từ năm 1439, Dã Tiên thái sư của tộc Ngõa Lạt lên nắm quyền trong chính quyền Mông Cổ của khả hãn Thoát Thoát. Nhân sự suy nhược của nhà Minh, Dã Tiên dần nảy sinh ý định đánh xuống trung nguyên để khôi phục uy quyền nhà Nguyên trước đây[7].